ĐẠI GIA QUÊ TA
ĐẠI GIA QUÊ TA
———————-
Cái làng này bây giờ đổi thay nhiều lắm! Và mọi sự đổi thay đều bắt nguồn từ cái sân Golf mới xây. Ban đầu, khi nghe ông trưởng thôn thông báo rằng có một công ty nước ngoài đang muốn mua ruộng của làng mình để xây sân Golf, các cụ phản đối rầm rầm. Nào là trước giờ dân làng ta sống bằng ruộng, bằng lúa, bằng trồng màu, giờ bán hết ruộng đi thì cả làng biết làm gì? Với lại, ở trên đất ấy đâu phải chỉ có ruộng không, còn có cả mồ mả tổ tiên bao đời vẫn nằm ở đó, giờ bốc mộ các cụ dời đi, liệu các cụ có chịu hay lại hiện về bóp cổ con cháu?
Mà họ bảo là xây sân Golf nhưng nào đã ai biết sân Golf nó là cái gì, nó ra làm sao? Ngay cả cái chữ Golf cũng mỗi người đọc một kiểu: ông chủ tịch xã đọc là Gon; ông bí thư thì đọc là Góp-phờ; cuối cùng, ông trưởng thôn chốt lại: từ nay làng ta thống nhất đọc là Góp. Và cũng không ai biết cái sân Góp ấy dùng vào mục đích gì? Nếu là để trồng cỏ, nuôi bò, lấy sữa thì còn đỡ, chứ nếu họ dùng để sản xuất phân bón, hóa chất, hoặc nguy hiểm hơn là vũ khí, bom mìn thì môi trường và sự an toàn của bà con trong làng sẽ bị đe dọa ghê gớm lắm!
Tóm lại là các cụ phản đối gay gắt. Nhưng sau khi biết rằng mức giá đền bù mà đơn vị nước ngoài kia đưa ra cho mỗi sào ruộng là một tỉ đồng thì các cụ đột nhiên im bặt. Rồi lát sau, bắt đầu có tiếng xì xào:
– Mấy năm nay thời tiết khắc nghiệt, lại sâu bệnh nữa nên năng suất lúa và hoa màu cũng giảm nhiều các ông, các bà nhỉ? Thôi thì bán ruộng cho họ cũng được, chứ cấy lúa vất vả mà hiệu quả lại chả được là bao.
– Ừ, tôi cũng nghĩ vậy đấy. Với lại chắc họ không dám sản xuất hóa chất hay bom mìn gì đâu, còn nhà nước, còn chính quyền quản lý chứ, đố họ làm bừa được.
– Thế nhưng còn mồ mả của tổ tiên thì tính sao?
– Các cụ chết lâu rồi, giờ cũng chỉ còn là nắm đất vô tri, còn vương vấn gì cõi trần nữa. Cứ xây mộ mới khang trang, cúng lễ, hương vàng hậu hĩnh là các cụ chẳng trách đâu. Mà này, nhà bà có nhiều ruộng ở đám ấy không?
– Có ba sào rưỡi thôi ông ạ.
– Thế là cũng được hơn 3 tỉ rồi còn gì.
– Ông lão nhà tôi mất sớm nên bị cắt mất một khẩu, giá ông ấy cố sống đến giờ thì có phải được thêm hơn một sào nữa không, nghĩ mà tiếc đứt ruột…
Cuộc họp kết thúc rất chóng vánh, và hai tháng sau, cái sân Góp chính thức được khởi công. Giờ thì làng này, nhà nào nghèo nhất cũng có hai tỉ, nhà nhiều thì lên đến cả chục tỉ. Những ngôi nhà tan hoang, xập xệ bị đập bỏ, thay vào đó là những villa khang trang, oai vệ. Những bộ quần áo vẫn dùng để đi cấy, đi cày giờ được vứt ra làm dẻ lau. Trước đây, ngủ dậy là cả nhà dắt trâu ra đồng, bố cày đất, mẹ vun luống, con gieo hạt; giờ thì ngủ dậy, bố đánh ô tô ra giữa sân, mẹ xách nước, con rửa xe. Xong xuôi, cả nhà lên ô tô ra đầu làng ăn sáng, ăn xong lại leo lên ô tô quay về nhà. Cuộc sống rất thảnh thơi, an nhàn…
***
Một chiếc xe hơi mới coóng, biển số chưa kịp lắp, còn thơm thơm mùi sơn, chầm chậm rẽ vào một quán café sang trọng bên đường. Nhân viên quán nhanh nhảu chạy ra hướng dẫn nơi đỗ xe cho khách. Đó là một khoảng trống khá rộng, rộng đến nỗi có cảm giác như một chiếc xe buýt cũng đậu vừa. Ấy vậy nhưng chiếc xe hơi ấy cứ giật giật, gầm gừ, rồi ngùng ngoằng như một thằng say rượu, như một con ngựa bất kham, mãi mới chịu chui vào đúng chỗ mà người ta dành cho nó.
Bước ra khỏi xe là một người đàn ông gầy gò, nước da đen nhẻm, cháy nắng; mái tóc dù được chải keo bóng bẩy nhưng vẫn không che đi được sự xác xơ với những cọng tóc bị chẻ ngọn, đỏ quạch. Ông ta khoác trên người một bộ vest thuộc loại đắt tiền, chiếc sơ mi trắng bên trong cũng không hề kém cạnh, mới tinh, và còn nguyên nếp gấp; lấp ló dưới cái cổ áo có viền kim tuyến cầu kì kia là sợi dây chuyền vàng óng ánh, to sụ, nhìn như cái chão thừng quấn vòng quanh. Phía dưới cổ tay, chỗ mà có cái gấu tay sơ mi trăng trắng hơi thò ra ngoài so với cái cánh tay áo vest ấy, là chiếc Rolex thời thượng, cáu cạnh. Chỉ tiếc là cái đồng hồ đẳng cấp ấy lại phải ôm vào cái cổ tay đen đúa, nhằng nhịt những vết chai sần, nứt nẻ, phải nằm gần những ngón tay thô ráp với những chiếc móng ố vàng, cáu cặn vì đồng chua nước mặn.
Ông ta tất tả bước vào trong quán, một người đàn ông khác, nhìn cũng toát lên vẻ giàu sang, hồ hởi đưa tay ra bắt.
– Gớm, chú em giờ ra dáng đại gia quá!
– Anh cứ đùa, làm sao đã bằng một cái móng chân của anh được.
– Thế lái xe đã thành thạo chưa?
– Dạ, cũng tạm ổn rồi anh, chỉ còn lúc lùi, lúc cua, với lúc đỗ xe là vẫn lóng ngóng thôi.
– Ừ, dần dần sẽ quen hết. Mà từ ngày mua xe, đã đưa vợ con đi chơi đâu xa chưa?
– Dạ, tay lái còn non nên chưa dám đi đâu anh ạ. Chỉ mới chạy một lần lên xã trả cái bao thóc giống, một lần nữa là sang làng bên cạnh chở con chó tây về nuôi cho nó canh nhà.
– Cũng đúng, giờ trong nhà để cả đống tiền, nuôi chó là phải. Mà chú thấy sao? Có tiền là cuộc sống khác hẳn đúng không?
– Dạ đúng ạ. Ví như con vợ em, trước đi làm đồng thì khăn áo kín mít, giờ rảnh rỗi thành ra đổ đốn, mặc cái áo hở cổ mà mỗi lần nó cúi xuống nhìn rõ cả rốn, trông rất là thốn. Cả thằng con giai em nữa, giờ chỉ chực chực bố thò cái chìa khóa ô tô ra là vồ lấy phóng đi, mà nó đã biết lái đâu, vẫn còn nhầm chân ga, chân số. Em chỉ thương nhất đứa con gái út, nó hiền lành, ngoan ngoãn, suốt ngày chỉ biết chăn trâu, cắt cỏ. Con trâu nhà em được to khỏe như bây giờ đều là nhờ một tay nó chăm sóc hết, thế nên, khi nghe tin em sắp bán trâu cho lò mổ, nó cứ suốt ngày ra truồng trâu, úp mặt vào đít trâu khóc tu tu. Rõ khổ, cũng không muốn bán, nhưng giờ ruộng hết rồi, còn giữ trâu làm gì? Chả lẽ nuôi trâu cảnh?